Giá xăng dầu tại Nepal: Góc nhìn từ một đất nước đang phát triển

 05:18 PM @ Thursday - 29 May, 2014

Tiếp tục công tác phát triển thị trường tại khu vực Nam Á, với thị trường Bangladesh đã tương đối ổn định, Srilanka sẽ ký hợp đồng dài hạn cung cấp dầu thô vào tháng 6/2014. Những ngày đầu tháng 5, Petrolimex Singapore đã có chuyến khảo sát thị trường tại Nepal.

Giám đốc Petrolimex Singapore Nguyễn Quang Tuấn gặp Bộ trưởng Thương mại NepalSunil Bahadur Thapa

Nepal là một đất nước có 30 triệu dân với nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc nông nghiệp và kiều hối. Thu nhập bình quân đầu người 700 usd. Nepal không có nguồn dầu thô, toàn bộ xăng dầu và các sản phẩm xăng dầu của Nepal hiện đều được Công ty xăng dầu quốc gia (NOC) nhập qua Tập đoàn xăng dầu quốc gia Ấn Độ (IOC).

NOC không có hệ thống các cây xăng, toàn bộ hệ thống này đều do tư nhân hoặc các doanh nghiệp khác quản lý. NOC chỉ thực hiện việc nhập khẩu và vận chuyển đến các kho đầu mối. Giá xăng dầu được thay đổi mỗi 15 ngày theo giá nhập khẩu bình quân 15 ngày. Từ giá nhập khẩu này cộng với các chi phí, thuế, lợi nhuận và chi phí hoa hồng cho đại lý để làm cơ sở tính giá bán lẻ.

Một cây xăng tại Nepal

Giá nhập khẩu bình quân và giá bán lẻ được công bố trên website của NOC và các tờ báo chính và được thay đổi sau mỗi 15 ngày. Giá bán lẻ các mặt hàng hiện tại là tương đối cao so với Việt Nam, giá xăng vào khoảng 29 nghìn VND/ lit.

Về chủ trương điều hành giá, chính phủ Nepal cũng chủ trương sẽ không trợ giá cho xăng dầu vì việc trợ giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực quốc gia, đồng thời cũng sẽ không có nguồn lực để NOC đầu tư hệ thống đường ống, xây dựng mới và nâng cấp cửa hàng xăng dầu.

Chính phủ hỗ trợ giá nhưng nguồn lực là không đủ nên NOC luôn bị lỗ và không đủ năng lực tài chính để thanh toán cho nhập khẩu xăng dầu. Do vậy, tình trạng khan hiếm hoặc không có xăng dầu thường xuyên xảy tra trong quá khứ.

Việc trợ giá xăng dầu trước đây cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi vì mục đích thực sự của việc trợ giá này là gì và ai sẽ là người hưởng lợi. Trợ giá xăng dầu tưởng như sẽ làm giảm giá lương thực, thực phẩm bằng việc giảm cước vận tại. Thực tế không hẳn như vậy, phần lớn sự trợ giá sẽ đi vào lợi nhuận của các công ty vận tải. Nếu thực sự mục đích là để giảm giá thực phẩm thì nên trợ giá trực tiếp cho nông dân, những người trực tiếp sản xuất ra lương thực, thực phẩm.

Nếu thực sự chính phủ cần một sự trợ giúp cho người dân, thì cách thức nên dựa vào thu nhập chứ không nên dựa vào nhu cầu tiêu dùng. Nếu trợ giá qua xăng dầu thì người được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là người tiêu dùng nhiều nhất chứ không phải người có thu nhập thấp. Với cách nhìn này thì người có thu nhập thấp sẽ là người được hưởng lợi ít nhất từ việc trợ giá qua xăng dầu vì họ là những người tiêu dùng ít nhất.

Hơn nữa việc trợ giá xăng dầu có thể dẫn đến việc kích thích sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch này thay vì các nguồn năng lượng khác thân thiện hơn với môi trường.

Tổng sản giá trị xuất khẩu của Nepal chỉ bằng 80% của lượng xăng dầu nhập khẩu. Việc kìm nén giá xăng dầu làm tăng nhu cầu nhập khẩu xe hơi và điều này càng làm cho thâm hụt cán cân thương mại thêm tồi tệ.

Từ những lý do đó, chính phủ Nepal đã thay đổi chính sách, không còn trợ giá xăng dầu, thúc đẩy việc tư nhân hóa đồng thời huy động các nguồn lực xã hội khác trong phát triển hệ thống nhập khẩu và phân phối xăng dầu.

Nguồn:  Nguyễn Mạnh Cường  -  Trưởng phòng TC-KT
Petrolimex Singapore